Tâm Sự Đời Sống
Lấy chồng: "Đường vào địa ngục"
Em tìm đến tôi, vẻ đẹp xinh xắn mặn mòi của gái một con làm tôi phải thầm khen chồng em quá cưng vợ. Nhưng, khi biết được mục đích cuộc viếng thăm, tôi không khỏi bất ngờ.
Em tên Phan Ngọc Lành (21 tuổi). Ngày cưới em chỉ vừa tròn 18. Ba năm qua nhanh vùn vụt, dù trước mắt tôi vẫn còn in đậm hình ảnh đoàn xe hoa đón em. Ngày đó... ba mẹ em vui mừng biết chừng nào khi đứa con gái mới học hết lớp 9, đi phụ quán ăn mấy năm đã có một bạch mã hoàng tử với tuổi đời chín chắn, nghề nghiệp ổn định xin rước về dinh.
Em trù trừ chưa ưng, cha mẹ em đã giục, nào nhà người ta đàng hoàng thế, cau trầu xe pháo dâng tận ngõ mà không ưng là sao? Nhà mình nghèo con ơi, gặp người gia thế thì ưng đại cho ấm đời. Chờ yêu chờ thương thì gặp phải một thằng rách trời rơi xuống, cha mẹ có nước... đội quần mà nhìn hàng xóm.
Lành đang học việc ở một tiệm may.
Vậy là em lên xe hoa. Một chút mến thương, một chút hào nhoáng, và nhiều nhất vẫn là sự ấm đời theo lời cha mẹ. Đoàn xe hoa sáu chiếc, hoa tươi rắc đầy giường cưới, em như Lọ lem một phút rơi vào lâu đài cổ tích. Để sau đó hai tháng, vỡ mộng ra mới biết chồng em chỉ là công tử bột. Ba mươi tuổi, nhân viên kỹ thuật của một thương hiệu xe máy nổi tiếng nhưng cậu ta chưa hề mang một đồng nào về cho cha mẹ. Bao nhiêu tiền lương ông con trai đều nướng vào bài bạc, cá độ, bia rượu.
Nhà chồng em có quán ăn khá lớn ở trung tâm phố huyện nên chuyện tiền nong đóng góp hay không, không phải là vấn đề. Chồng bảo, cưới em chỉ vì muốn có đứa con dâu cho cha mẹ nhờ chứ bản thân anh ấy vẫn còn ham bay nhảy lắm.
Nữ trang cưới có ba món gồm một đôi hoa tai, một dây chuyền vàng 24k và một lắc tay vàng 18k, nhưng sau cưới hai tuần, chồng em lần lượt mượn trả nợ hết hai món. Anh lý giải đó là nợ cưới, vợ chồng còn lâu còn dài anh sẽ sắm lại cho em, chứ em đeo chi cho nặng người, mà nợ thì kêu xiết anh từng ngày một.
Nữ trang đưa chồng xong em mới e dè thưa với mẹ chồng rằng chồng đã mượn sau khi bà bóng gió: “Nhà anh chị sui lúc này có khó khăn gì lắm phải không con...”. Biết sự thật rồi nhưng bà không hề rầy la con trai mà chỉ mắng em: “Vàng đó là của riêng mày, ai biểu mày ngu đưa nó chi rồi giờ nói”.
Em chưa hết... chới với chuyện vàng cưới thì mẹ chồng đã đưa cho em một quyết định: Em phụ việc nhà, bà vẫn trả lương như nhân viên. Nhưng phải trừ vào tiền cơm ăn, nhà ở và vì là vợ nên phải có nghĩa vụ trả nợ phụ chồng. Số nợ làm ăn năm mươi triệu mà chồng em vừa mượn bà, em phải trả hai lăm triệu, trừ vào lương tháng, mỗi tháng ba triệu. Em phải làm việc từ 6h sáng tới 11h đêm.
Nợ chưa trả được bao lâu thì em mang bầu và bị thai hành gầy rộc, nhưng vẫn phải làm việc với thời gian biểu như trước. Mãi khi em ngất xỉu bên đống chén bát cao nghệu, nhà chồng mới đưa em đi bệnh viện. Mẹ em hiểu được nỗi vất vả của con gái thì chỉ biết thở dài.
Sinh con xong, tưởng có con nhỏ thì được thư thả đôi chút, ai dè tâm sự của em càng não ruột: “Từ khi ốm nghén đến sinh con, tôi đều không có một khoản tiền chi tiêu cá nhân nào trong túi. Con đầy tháng thì đã phải ra phụ giúp gia đình bao công việc của một quán ăn, thức khuya dậy sớm, lau chùi, dọn dẹp... không hề được nghỉ ngơi như một sản phụ mới sinh cần phải được nghỉ.
Bấy giờ, dù đã có con, bao loại tiền cần chi như tã, sữa, thuốc men, giấy vệ sinh, phấn, dầu... nhưng chồng tôi vẫn không đưa vợ đồng nào. Khi con ốm đau, tôi hỏi tiền chồng thì chồng im lặng. Phải xin năm lần bảy lượt mẹ chồng mới cho vài chục ngàn mua thuốc cho bé. Khổ sở, bức bách, mệt mỏi... tôi than thở với chồng thì anh cho tôi mỗi ngày từ 20.000-70.000 đồng. Những đồng tiền lẻ có khi vo tròn, có lúc vón cục hoặc nhăn nheo sờn cũ.
Thời gian sau đó, chồng tôi không còn giấu diếm chuyện bài bạc, cá độ nữa. Mỗi khi anh “đổ nợ” thì cha mẹ chồng tôi đều dang tay ra trả. Dù đi làm không đưa tiền cho tôi nhưng mỗi khi “đổ nợ” anh đều về nhà than thở và kêu tôi “cứu”. Tôi có bao nhiêu tiền cá nhân anh cũng lấy, kể cả món trang sức duy nhất còn lại là đôi bông tai ngày cưới anh cũng “mượn trả nợ”. Tôi vì tình nghĩa vợ chồng, vì bao hứa hẹn sẽ bỏ tật ham chơi, ham bài bạc, cá độ để chăm lo cho vợ con của anh nên vẫn níu kéo để sống".
Em hỏi tôi, em chỉ là nhân viên học việc ở một tiệm may với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng, liệu tòa án có cho em nuôi con không? Rồi... chồng em nói, dù em có đưa mười lá đơn thì anh ấy cũng không đồng ý ly hôn thì biết làm sao? Mà em sợ nhất vẫn là sự chặn đường đón ngõ, chửi bới của chồng. Anh ta ngày nào cũng đến nơi em học việc, chửi rằng em bỏ chồng theo trai; anh sẽ giành lại đứa con cho em nhớ thương đến chết. Bị chồng chửi như vậy em xấu hổ, may còn có chị chủ tiệm và các bạn cùng học hiểu hoàn cảnh của em.
Em nói, em không muốn ly hôn, vì con còn nhỏ quá, mà nhà chồng cũng tốt. Nhưng, em không biết làm sao, tương lai mờ mịt, làm việc quần quật cả ngày không biết mặt đồng lớn đồng nhỏ... lâu lâu lại phải è vai ra gánh một đống nợ phụ chồng thì thật là bất công cho em quá. Đã cầu cứu cha mẹ chồng nhiều lần nhưng ông bà không một lời bảo ban, răn đe con trai mà cứ biểu em: “Gái có công, chồng chẳng phụ. Mày quyết liệt đứt đoạn như vậy mai này đừng hối hận nghe chưa”.
Em thở dài chia tay tôi sau nhiều tâm sự, ước rằng phải chi thời gian quay trở lại, em sẽ không lấy chồng sớm như thế.
Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi được nhân vật cho biết con của em (27 tháng tuổi) đã bị nhà chồng bắt mất. Khoảng một tuần trước, chồng em về nhà cha mẹ vợ xin chở con về thăm ông bà nội, hẹn hai ngày sau sẽ trả. Đúng hẹn nhưng không thấy chồng chở con về, Lành lên nhà chồng hỏi thăm thì mẹ chồng cho biết: “Em bé bệnh, đi bác sĩ rồi, chừng nào hết bệnh tao sẽ trả cho”.
Lành nằn nì xin cho biết nơi con mình đang được chữa trị thì mẹ chồng không nói. Ngồi chờ tới tối không thấy con, buộc lòng Lành phải về nhà mình. Sau đó hai hôm, Lành trở lên thì được mẹ chồng bảo: “Tao cho nó đi học rồi”. Hỏi học trường nào thì bà không trả lời.
Lành băn khoăn, “Nhà chồng đã bắt con em, cho bé đi học cũng không cho em biết, theo pháp luật họ đúng hay sai?”.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian